Nỗ lực 12 năm thực hiện ước mơ của “thầy giáo Tây”

with No Comments
GD&TĐ – Trong khi xu hướng du học của học sinh, sinh viên Việt Nam ngày một tăng cao thì có một người đàn ông Mỹ đã nỗ lực 12 năm với mong muốn trở thành một thầy giáo để ở lại Việt Nam dạy học. Với bao khó khăn, thách thức nhưng khi được đứng trên bục giảng, “thầy giáo tây” ấy lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Hành trình vượt lên chính mình

Người đàn ông có một tình yêu vô bờ với Việt Nam ấy là Jonathan Lankford – Phó phòng Đào tạo, kiêm giảng viên của Khoa Nhân văn và Ngôn ngữ Trường ĐH Tân Tạo (TTU). “Thầy giáo Tây” chính là cái tên đáng yêu mà sinh viên của trường đã đặt cho ông để thể hiện sự quý mến, gần gũi với thầy Jonathan Lankford.

Ban đầu là một giáo viên dạy Tiếng Anh, sau đó Jonathan Lankford đã lấy bằng Thạc sĩ Giáo dục, chính thức trở thành giảng viên và hiện là Phó phòng Đào tạo của trường. Đối với Jonathan, 12 năm đó là cả một hành trình nỗ lực không mệt mỏi.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Thần học tại Mỹ, thầy Jonathan đã làm một công việc văn phòng trong khoảng 3 năm. Nhưng rồi một ngày, cố vấn của thầy hỏi: “Này Jon, sao anh vẫn còn ở đây nhỉ?”. Câu hỏi đó đã khiến thầy giật mình nhìn lại bản thân mình và tự đặt ra những hướng đi mới. Ngay sau đó, thầy quyết định từ bỏ một công việc có vẻ ổn định nhưng với thầy, nó không mang lại giá trị sống cho mình. Nơi “thầy giáo Tây” này chọn lựa để dừng chân trong hành trình mới là Việt Nam. Ước mơ trở thành một thầy giáo thôi thúc Jonathan Lankford cố gắng từng ngày mong thành hiện thực.

Nói về cái duyên với nghề giáo, thầy Jonathan cho biết, thời còn học chuyên ngành Thần học, thầy có đăng ký theo môn học “Nền tảng về ngành sư phạm”. Từ đó, thầy có một niềm yêu thích đặc biệt với công việc này. “Thời điểm đó, nhiều người bạn học thường bảo tôi không đủ tố chất để trở thành một giáo viên. Nhưng cũng từ lúc bấy giờ, trong tôi hình thành một quyết tâm mãnh liệt để có thể chạm đến ước mơ theo đuổi nghề giáo. Đó chính là lý do vì sao phải đối diện với rất nhiều khó khăn ở một quốc gia hoàn toàn mới là Việt Nam nhưng tôi luôn lạc quan và chưa bao giờ hối hận về con đường mình đã chọn”, thầy Jonathan tâm sự.

Thời gian đầu đến Việt Nam thầy Jonathan gặp rất nhiều khó khăn, bởi lúc bấy giờ đang phải trả hơn 1.000 USD/tháng (hơn 23 triệu VND) cho khoản nợ vay khi còn đi học. Để tiết kiệm chi phí, thay vì đi xe ôm – phương tiện di chuyển tiện lợi hơn cho người nước ngoài, thầy Jonathan bắt ba chuyến xe buýt mỗi ngày để đến chỗ làm. Và mỗi ngày, thầy chỉ chi 50.000 đồng cho tiền ăn.

 

 

Thầy Jonathan luôn cố gắng trau dồi bản thân để mang những kiến thức cập nhật nhất đến học trò của mình

 

Chia sẻ về lý do chọn Trường ĐH Tân Tạo làm nơi phát triển sự nghiệp, thầy Jonathan bật mí: “Có thể việc Tân Tạo tọa lạc tại tỉnh Long An là một điểm trừ với những sinh viên yêu thích sự náo nhiệt. Nhưng môi trường gần gũi với thiên nhiên nơi đây thật sự là một địa điểm lý tưởng để sinh viên và giáo viên phát huy hết năng lượng của mình. Chính vì vậy, tôi đã chọn Tân Tạo là nơi bắt đầu sự nghiệp giáo dục của mình và cho đến thời điểm này, tôi vẫn tin rằng mình đã có sự lựa chọn đúng đắn”.

Tình yêu “thép” của thầy giáo Tây


Nhắc đến thầy Jonathan, sinh viên ở Trường ĐH Tân Tạo nhận xét đó là một người thầy vô cùng nghiêm khắc nhưng ấm áp. Bạn Nguyễn Thành Vinh, một sinh viên cũ của thầy chia sẻ: “Thầy có một cách truyền động lực học tập cho sinh viên rất khác. Mỗi khi thầy đặt câu hỏi mà trong lớp không có sinh viên dơ tay trả lời, thầy sẽ đứng mãi ở đó mà nhìn cả lớp cho đến khi tất cả các bạn phải suy nghĩ thật kỹ rồi đưa ra phương án mới thôi. Ánh mắt của thầy rất nghiêm nghị nên thoạt đầu học với thầy mình hơi sợ. Nhưng khi đã quen rồi thì mình thấy rằng, chính ánh mắt của thầy còn tiếp cho mình nhiều năng lượng hơn so với những lời động viên, khích lệ. Và cũng nhờ vậy, kết quả học tập của lớp mình trong môn của thầy dạy cũng tốt hơn hẳn”.

“Em nghĩ là em làm được sao? Không! Em không làm được đâu”. Đó là câu mà thầy Jonathan vẫn thường nói với sinh viên. Thoạt nghe, nhiều người sẽ nghĩ câu nói đó như là một lời chê bai. Nhưng không phải vì với thầy Jonathan, đó lại chính là tình yêu thép mà thầy dành cho các sinh viên của mình.

Thầy chia sẻ: “Khi nói câu này, tôi mong muốn sinh viên sẽ lập tức phản pháo lại theo kiểu như: “Thầy lầm to! Em sẽ làm được cho mà xem” chứ không phải là “Thầy đừng nói như vậy, nghe buồn lắm!”.

Thay vì là những lời nhẹ nhàng, dễ nghe, quan điểm của thầy Jonathan là nên để các em nhìn nhận vấn đề một cách thẳng thắn, từ đó tập làm quen dần với hiện thực nghiệt ngã ngoài xã hội. Có như vậy, các em mới có nguồn động lực mạnh mẽ để không ngừng phấn đấu trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình. Phương pháp mà thầy đang áp dụng được thầy rút ra từ kinh nghiệm của bản thân, đặc biệt là ở cái khoảnh khắc thầy quyết tâm trở thành một nhà giáo.

Bên ngoài là một người có vẻ lạnh nhạt, nghiêm khắc, nhưng ít ai biết được rằng bên trong đó là một trái tim ấm nóng yêu thương. Đặc biệt, thầy luôn cố gắng trau dồi bản thân để mong muốn mang những kiến thức cập nhật nhất đến học trò của mình. Mùa hè, thay vì nghỉ ngơi, đi du lịch với gia đình, thầy lại tìm một khóa học mới để học thêm. Đó cũng là cách mà thầy Jon thể hiện tình yêu với các học trò.

“Đối với một giáo viên, ý thức về việc tự trau dồi bản thân suốt đời là điều kiện tiên quyết để trở thành một người thầy giỏi. Nếu không, chúng ta hoàn toàn có thể đặt nghi vấn về chữ tâm và ngọn lửa nghề giáo cao quý. Hơn nữa, nếu không ngừng trau dồi và áp dụng các kiến thức đã được học, mọi thứ sẽ trôi dần vào quên lãng chỉ sau một năm. Do đó, tôi luôn nhắc nhở mình phải học không ngừng, học nữa, học mãi”, thầy Jonathan tâm sự.

Nguồn: giaoducthoidai.vn