Sinh viên TTU tham dự Trại hè Khoa học Châu Á 2014

with No Comments

Xin chào tất cả các bạn. Tôi tên là Bùi Thị Hồng Hạnh, sinh viên chuyên ngành Ngữ văn Anh thuộc khoa Nhân Văn và Ngôn Ngữ, trường Đại học Tân Tao.

Hanhsg

Tôi đã may mắn giành được cơ hội tham dự Trại hè Khoa học Châu Á lần thứ 8 được tổ chức ở trường Nanyang Technological University, Singapore từ ngày 24 đến ngày 29/08/2014. Đây là một trong những trải nghiệm tuyệt vời trong đời tôi. Đã gần nửa tháng kể từ khi Trại hè kết thúc nhưng những kỉ niệm vẫn hiện lên trong tôi rất rõ ràng và tươi mới. Và hôm nay tôi rất háo hức muốn chia sẻ với các bạn về những gì tôi đã gặt hái được từ trải nghiệm quý báu này.

Tiếp xúc với thế giới của khoa học

Điều đầu tiên mà tôi mong đợi khi đến với Trại hè 2014 lần này là nhằm có được một hiểu biết sâu hơn về khoa học cũng như trình độ phát triển hiện tại của khoa học, vì vậy trong quá trình diễn ra hội trại, tôi đã rất tự hào vì được tiếp xúc với các nhà khoa học đoạt giải Nobel, giải Field và các nhà khoa học xuất sắc khác. Họ tổ chức các bài giảng về các chủ đề mới nổi hiện nay như Công nghệ Nano và những ứng dụng trong nghiên cứu về lĩnh vực này; và Sinh học cấu trúc. Chúng tôi đã thảo luận về một câu hỏi rất cơ bản nhưng cũng rất tham vọng của nhân loại chúng ta, đó là chúng ta có thể giải quyết hết mọi vấn đề về sức khỏe con người hay không. Ví dụ như bài giảng của giáo sư Sydney Brenner nói về nghiên cứu y học và sinh học cơ thể người. Ngoài ra, giáo sư Aaron Ciechanover trong chủ đề của ông về sự tiến hóa của Y học cá thể hóa, đã nêu lên một câu hỏi rằng chúng ta có sẵn sàng chữa tất cả các loại bệnh tật hay không và với giá nào. Các học sinh, sinh viên được đặt câu hỏi cho các giáo sư, chủ đề xoay quanh việc các phát minh và cải tiến ứng dụng vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu. Qua buổi thảo luận, chúng tôi đã có được định hướng rõ ràng hơn về hướng nghiên cứu của mình trong tương lai. Riêng tôi nhận ra điều đáng quý này: trong thế kỷ 21, khoa học đã trở nên không biên giới, và chỉ cần chúng ta ở bên nhau, chúng ta sẽ nói một thứ ngôn ngữ chung – ngôn ngữ của khoa học – cho một mục đích chung cao cả: góp phần vào sự phát triển của con người. Mọi thứ từ hội trại đều hoàn toàn ấn tượng, đầy cảm hứng và đầy hứa hẹn.

Nguồn cảm hứng to lớn từ các giáo sư danh giá

Các vị giáo sư có các bài giảng với các chủ đề khác nhau. Một số vị rất tỉ mỉ và trang trọng, vài giáo sư khác thì rất hài hước và thoải mái hơn. Ở một vài phần trong một số bài giảng, kiến thức của tôi không đủ nhiều để hiểu hết, nhưng tôi luôn luôn cảm nhận được sự hào hứng và tâm huyết của các thầy cô. Tôi cảm nhận được nguồn cảm hứng lan tỏa khắp căn phòng trong từng giây từng phút. Một vài giáo sư còn rất trẻ và hoạt bát, họ làm tôi thấy rất phấn khởi. Và cũng có một vài thầy lớn tuổi hơn đã không ngại vấn đề về sức khỏe để đến nói chuyện với chúng tôi, và điều này làm tôi thật sự cảm động. Họ không còn trẻ nữa, nhưng đầu óc họ còn tinh anh và trái tim còn tận tụy vô cùng. Tôi vẫn còn nhớ giáo sư Sydney Brenner (người nhận giải thưởng Nobel về Triết học về Y khoa năm 2002). Giáo sư không thể đi quá nhanh và đứng để thuyết trình như những người khác mà phải ngồi trên ghế trong suốt bài giảng của thầy. Nhưng khi thầy nói một cách rất hài hước và nói bằng trái tim bao la của mình, đôi khi tôi phải bật cười và đôi khi tôi đã xúc động đến rơi nước mắt.

Tiếp xúc, trao đổi về văn hóa và ngôn ngữ

Bên cạnh kiến thức về khoa học, tôi còn có được một trải nghiệm bổ ích về ngôn ngữ cũng như giao tiếp. Các học sinh, sinh viên ở hội trại là những người năng động và tài giỏi, những người luôn luôn khao khát học hỏi và sẵn sang tham gia vào mọi cuộc thảo luận. Chúng tôi được chia ra thành nhóm sáu người đến từ các quốc gia khác nhau để thiết kế một áp phích trình bày về chủ đề khoa học mà chúng tôi chọn. Chúng tôi trao đổi những quan điểm khác nhau với thái độ góp ý xây dựng. Mặc dù tranh luận khá sôi nổi, chúng tôi vẫn rất vui vẻ và tìm bất cứ thứ gì có thể đùa nghịch được.

Trong một môi trường quốc tế như thế, lúc đầu tôi hơi bị sốc vì các cuộc thảo luận diễn ra quá nhanh. Nhưng nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người và hơn nữa tôi có tìm tòi, nghiên cứu một chút vào các buổi tối, cuối cùng tôi cũng đã theo kịp các thành viên khác trong nhóm. Tôi đã có thể nói một cách tự tin hơn và dễ dàng hơn. Sau giờ học, mọi người ở đây cực kỳ thân thiện và cởi mở. Chúng tôi nói chuyện phiếm với nhau, chụp hình, ca hát và đi dạo cùng nhau. Chúng tôi trao đổi về những điểm khác biệt trong nền văn hóa các nước. Mặc dù thời khóa biểu khá sít sao, tôi thấy mình không biết mệt mỏi mà vẫn vui vẻ cười đùa cả ngày bên các bạn. Giờ đây tôi thật sự rất nhớ họ và chắc chắn rằng chúng tôi sẽ giữ liên lạc với nhau.

Điều mà tôi thật lòng muốn nhắn nhủ tới các bạn

Trại hè Khoa học Châu Á năm 2014 là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong đời tôi. Giờ đây khi tôi đã về TTU, tôi thật sự muốn chia sẻ với các bạn. Trại hè đã đem lại cho tôi những thay đổi lớn lao trong cách sống và cách suy nghĩ. Những ngày này, dù tôi cực kì mệt mỏi, dường như nguồn năng lượng duy nhất mà tôi có được là từ những người làm việc cùng tôi. Tôi không còn thấy áp lực trong học tập nữa, bởi vì tôi có quyền lựa chọn làm gì và sẽ làm như thế nào. Tôi sẽ không bao giờ quên lời dạy của giáo sư Aaron Ciechanover: “Hãy làm bất cứ điều gì các em thích. Hãy làm chủ cuộc đời của mình, đừng sống cuộc đời của kẻ khác” ; hay giáo sư Ada Yonath đã nói rằng: “Bởi vì đây là cuộc đời. Cô không biết và không thể trả lời câu hỏi của em, nhưng biết đâu chính em sẽ là người tìm ra lời giải cho bí ẩn ấy”. Những lời trên gợi cho tôi nhớ lại một trong những người thầy kính yêu ở TTU, tiến sĩ Kevin Chiew. Thầy đã từng nói rằng: “Các em là tương lai của nước nhà và cũng là tương lai của thế giới, hãy cố gắng hết sức để đóng góp sức lực của mình vào nền hòa bình trong khu vực và thế giới”. Điều cuối cùng mà tôi thu nhặt được từ hội trại và muốn chia sẻ với các bạn là: “Hãy cố gắng hết sức có thể, rồi may mắn sẽ tự nhiên tìm đến chúng ta như một phần thưởng xứng đáng cho mọi nỗ lực của chúng ta”.

Hanhsg5