Ngôn Ngữ và Nhân Văn – Con đường bước vào thế giới

with No Comments

Mr nhon-hum

Xin chào Thầy Nhơn. Xin thầy giới thiệu đôi nét về bản thân?

Xin chào bạn. Tôi tên là Đặng Thanh Nhơn, tôi là giáo viên tiếng Anh thuộc khoa Xã hội Nhân Văn và Ngôn Ngữ trường ĐHTT. Trước khi tham gia ĐHTT, năm 2009 tôi nhận được học bổng Fulbright theo học Thạc sỹ chuyên ngành Phương pháp giảng dạy tiếng Anh tại trường Đại học Minnesota, Hoa Kỳ. Bản thân tôi thích học hỏi tìm tòi những phương pháp giảng dạy mới để giúp cho việc dạy và học tiếng Anh có hiệu quả hơn. Tôi đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin và Internet trong việc giảng dạy và đánh giá.

Là người nhận học bổng Fulbright, theo kinh nghiệm của thầy, việc học tiếng Anh trước khi đi du học đã giúp thầy thành công khi học ở Mỹ như thế nào?

Xin cảm ơn bạn với câu hỏi thú vị này! Trước khi, cho phép tôi gởi lời cảm ơn chân thành nhất đến chương trình học bổng Fulbright đã cho tôi một cơ hội tuyệt vời để phát triển nghề nghiệp của bản thân, được học tập, trao đổi, kết nối với thầy cô bạn bè đồng nghiệp từ các nước thông qua chương trình Fulbright cũng như chương trình học chuyên ngành.

Trở lại câu hỏi cả bạn, tôi cho rằng việc chuẩn bị tiếng Anh trước khi đi du học ở Mỹ cực kỳ quan trọng vì nó giúp cho các bạn bước đầu có thể “tồn tại” trong hoạt động học tập ở nhà trường và “bớt nhức đầu” hơn trongnhững hoạt động giao tiếp ngoài xã hội, đặc biệt trong một xã hội đa dạng như xã hội Mỹ. Bản thân tôi may mắn là người vừa dạy và học tiếng Anh, nên tôi đã tự trang bị cho bản thân vốn tiếng Anh để có thể giao tiếp, tham gia tranh thảo luận trên lớp và ở nhóm để hoàn thành chương trình học như mong đợi. Vốn tiếng Anh sẵn có cũng giúp tôi dễ dàng hơn trong cuộc sống hằng ngày, tự tin tham giacác hoạt động ngoài nhà trường, và phần nào giảm thiểu ít nhiều cái gọi là “cú sốc văn hóa” đối với bản thân.Cũng chính việc học hỏi từ việc tham gia các hoạt động trong và ngoài nhà trường giúp tôi từng bước cảm thấy “thoải mái” hơn khi học tập ở Mỹ.

Trải nghiệm của Thầy ở ĐHTT so sánh với trải nghiệm ở Mỹ như thế nào?

Theo hiểu biết của tôi, trường ĐHTT áp dụng mô hình của một trường Đại học Hoa Kỳ về khung chuẩn chương trình, nội dung, cách thức hoạt động, v.v…Điều này được kiểm chứng và phản ánh qua thực tế hoạt động. Là giáo viên ở TTU, ngoài việc thực hiện việc giảng dạy theo lịch, chúng tôi có giờ nguyên cứu chuyên môn nâng cao hoạt động giảng dạy, và giờ cố vấn hỗ trợ sinh viên (8 tiếng mỗi tuần) trong học tập, câu lạc bộ, và các hoạt động khác. Khi là sinh viên ở trường Minnesota, khi nhiệm vụ chính là học tập nguyên cứu, tôi thường xuyên lên gặp cố vấn học tập và nhận thấy các thầy cô ở đó có cùng các hoạt động chính như ở ĐHTT, như giảng dạy, nguyên cứu, và cố vấn sinh viên theo lịch hẹn, email, hay điện thoại. Có thể nói, giờ tư vấn, cố vấn cho sinh viên là một điểm mới trong quá trình đào tạo mà hầu như các trường Đại học khác ở nước ta đã bỏ ngõ.

Thế theo thầy, sinh viên nào cũng nên học chuyên ngành tiếng Anh?

Thế thì quá tốt và tôi mong là như vây! Điều này trước hết liên quan đến lợi ích du học được trình bày ở phần trên. Thứ hai, theo thống kê, tỉ lệ sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh có cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường là cao hơn rất nhiều so với sinh viên những ngành nghề khác vì tiếng Anh được sử dụng hầu như ở mọi ngành nghề, dịch vụ, phương tiện. Đặc biệt, khi nước ta là điểm đầu tư hấp dẫn đối với nước ngoài, và việc làm không còn giới hạn trong phạm vi là một nước, thì nhu cầu việc làm dành cho người thông thạo tiếng Anh lại càng cao hơn. Quan trọng hơn, việc hiểu biết tiếng Anh là cơ hội được tiếp cận, tận hưởng, hay đáp ứng nhu cầu khám phá lượng kiến thức khổng lồ của nhân loại từ Internet.

Nếu trở thành sinh viên khoa khoa Xã hội Nhân văn và Ngôn ngữ trường ĐHTT, các bạn sẽ học những gì?

Khi là sinh viên khoa Xã hội Nhân văn và Ngôn ngữ trường ĐHTT, các bạn sẽ được trang bị trước hết kiến thức ngôn ngữ Anh để các bạn sử dụng tiếng Anh tự tin, thoải mái trong mọi tình huống cuộc sống và nghề nghiệp. Các bạn sẽ hiểu về hàm ý, sắc thái biểu cảm, biện pháp tu từ sử dụng trong văn bản để cho việc trao đổi thông tin đạt được mục đích cao nhất.

Thứ hai, các bạn sẽ trao dồi kỹ năng viết luận, kỹ năng  soạn thảo mọi văn bản bằng tiếng Anh cũng như nâng cao khả năng tư duy, tư duy lí luận và cách giải quyết vấn đề dựa trên phân tích, tổng hợp, đánh giá.

Thứ ba, khi tiếng Anh là sở hữu của mọi người sử dụng trên thế giới, việc sử dụng nó phù hợp với văn hóa và được xã hội chấp nhận đòi hỏi có một kiến thức văn hóa nhất đinh. Các bạn chuyên ngành sẽ được trang bị kiến thức phong tục, tập quán, văn hóa các nước nhằm phần nào giúp việc giao tiếp thành công và bẻ gãy rào cản văn hóa.

Thầy có nhắn nhủ gì đối với các em muốn trở thành sinh viên khoa khoa Xã hội Nhân văn và Ngôn ngữ trường ĐHTT?

Trước hết, xin chúc mừng những em đã trở thành sinh viên khoa khoa Xã hội Nhân văn và Ngôn ngữ trường ĐHTT.Các em đã có một quyết định rất thông minh, phù hợp với khả năng và sở thích của mình.

Đối với những em nào còn lưỡng lự, tôi nghĩ tôi cũng hiểu và thông cảm cho các các em, nhưng nếu các em muốn được tư vấn thêm, muốn hiểu biết thêm về khoa, về chuyên ngành, hay những vấn đề chuyên môn liên quan khác, chúng tôi sẵn sàng sẽ đi cùng với các em. Cuối cùng, xin chúc các em khỏe và có một quyết định sáng suốt. Khoa Khoa học Xã hội Nhân văn và Ngôn ngữ luôn chào đón các em!

Xin chân thành cảm ơn cuộc trò chuyện này!